Dường như tất cả thời gian và năng lượng của chị đều dành để gầy dựng ngày mai tươi sáng cho những mảnh đời thơ ngây, bất hạnh.
Hỗ trợ, đồng hành với trẻ em mồ côi, khuyết tật, nghèo khó suốt 10 năm qua, Quỹ Khát Vọng do chị Vũ Thị Dung khởi xướng đã chắp cánh ước mơ cho gần 400 học sinh ở hơn 30 tỉnh, thành. Với sự trợ giúp của Khát Vọng, hàng trăm bạn trẻ đã vào được trường đại học, được học nghề và có công việc, cuộc sống ổn định để viết tiếp ước mơ đời mình.
“Người mẹ đông con nhất Việt Nam”
Quỹ Khát Vọng đi theo một mô hình đòi hỏi dụng công nhiều và sự kiên gan, bền chí. Bởi lẽ, không dừng lại ở việc trợ giúp tài chính thuần túy trong thời điểm nhất định như đa số chương trình khác, Khát Vọng thật sự là người bạn lớn đồng hành xuyên suốt, dìu dắt các em lứa tuổi lớp 5 cho đến hết lớp 12.
Đó là sứ mệnh của Quỹ Khát Vọng – đại gia đình những thiên thần nhỏ từ khắp cả nước. Mỗi mảnh ghép ở đây là một nghịch cảnh. Thiếu sự chăm sóc, dưỡng nuôi của mẹ cha; không đủ điều kiện tối thiểu ăn no, mặc ấm; không đủ sách vở, thậm chí lao động sớm để mưu sinh…, song dù hoàn cảnh bi đát đến mấy cũng khó nhấn chìm ước mơ đến trường của các em.
Không dễ nói hết những nỗi éo le, nghiệt ngã từng bóp chặt cuộc sống của các bạn trẻ ấy. Đáng mừng là chuỗi ngày bế tắc đã chấm dứt khi Khát Vọng tìm thấy các em. Những trang đời mới được viết tiếp, tràn đầy ánh sáng.
Khát Vọng không phải là cây đũa thần, chỉ trong chớp mắt đã biến đổi số phận con người. “Phép mầu” mà Khát Vọng mang đến chính là lan tỏa những giá trị nhân bản đáng quý, để củng cố cho chúng ta niềm tin sâu sắc vào điều tốt đẹp, thiện lương; để mở rộng tầm nhìn, đánh thức tiềm năng và nội lực không giới hạn trong chính những chủ nhân tương lai của đất nước.
Khát Vọng rất giàu “vitamin tinh thần”. Đó là những cái ôm chân thành, là sự chở che, nâng đỡ; là những “liều thuốc chữa lành” sâu xa trong từng lời động viên, từng bức thư viết tay để mỗi đứa trẻ tự tin rằng mình không còn phải đơn độc đến tận cùng và có thể xua đi những u ám bủa vây trên phận người, để những vết thương thơ ấu được mờ lấp, “còn chồi nảy cây”.
Các em khôn lớn qua từng ngày, phát triển vững vàng, không chỉ tạo lập hạnh phúc cá nhân mà còn cống hiến cho xã hội. Đó là trái ngọt sau chặng đường nhẫn nại, mạnh mẽ, kiên định của người sáng lập và điều hành Quỹ Khát Vọng – chị Vũ Thị Dung. Cùng với các nhà hảo tâm và đông đảo tình nguyện viên, chị đã trao truyền sức mạnh, gieo trồng hy vọng, hun đúc nghị lực cho bao hạt mầm xanh.
Nhiều người gọi Vũ Thị Dung là “bà mẹ đông con nhất Việt Nam” khi chị chăm lo cho gần 400 đứa con của mái nhà Khát Vọng. Dường như tất cả thời gian và năng lượng của chị đều dành để gầy dựng ngày mai tươi sáng cho những mảnh đời thơ ngây, bất hạnh từ miền ngược đến miền xuôi, từ nơi thôn quê đến chốn thị thành.
Bền bỉ dấn thân
Chị Vũ Thị Dung cho biết năm 2012, chị đã có một quyết định táo bạo: Dừng sự nghiệp đầy triển vọng của mình để tập trung công sức và tiền bạc cho Quỹ Khát Vọng. Thời điểm ấy, chị đang có trong tay những gì mà bao người ao ước: Vị trí quản lý ở một cơ quan lớn, tổ ấm 2 con đủ “nếp – tẻ” bên người chồng hiền hòa.
Với nhiều phụ nữ bình thường, họ sẽ chọn một cuộc sống bình thường là chăm chút, tận hưởng hạnh phúc êm ả của riêng mình. Song, người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn này lại lựa chọn dấn thân vào một mục tiêu cao quý mà đầy thách thức, gian truân. Chị nhớ lại: “Ban đầu, chuyện nghỉ việc đột ngột để dồn sức cho Khát Vọng của tôi chẳng được mấy ai ủng hộ, kể cả gia đình”.
Trước đó, trở về từ những chuyến công tác xã hội, chị Vũ Thị Dung luôn nặng trĩu tâm tư. Chị trăn trở: “Đoàn từ thiện chỉ đến nơi nào đó một – hai lần. Những món quà, tiền bạc trợ giúp lúc ấy là cần kíp nhưng liệu có thật sự mang đến sự thay đổi lâu dài gì trong cuộc sống của những đứa trẻ khó khăn?”.
Tin rằng giáo dục là chìa khóa then chốt mở cánh cửa tương lai, Khát Vọng không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn nâng đỡ tinh thần cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chị Vũ Thị Dung có niềm tin mãnh liệt vào công việc mình chọn, không có ý định bỏ cuộc ngay cả lúc cô độc nhất, khi chẳng ai tin tưởng Khát Vọng có thể thành công.
Bền bỉ dấn thân, nhiều khi táo bạo, liều lĩnh – tất nhiên là có căn cứ, dần dà, bức tranh mà Khát Vọng dệt nên ngày càng khởi sắc, nhận được hưởng ứng từ cộng đồng, làm lay động biết bao tấm lòng thơm thảo cùng sát cánh với chị Vũ Thị Dung cùng cộng sự. Sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên cùng những hoạt động đa dạng, thiết thực của Khát Vọng giúp các bạn trẻ khám phá bản thân, hình thành nhân cách và định hướng nghề nghiệp.
Năm 2022, kỷ niệm Khát Vọng tròn 10 tuổi, chị Vũ Thị Dung sáng tác bài thơ khiến nhiều người xúc động: “Chúng ta chẳng cùng một mẹ đẻ cha sinh/ Mà như con một nhà ra đi từ ngàn xưa đó… Tiếng Khát Vọng gọi về/ Gắn nối tấm thâm tình chúng ta/ Cho chúng ta được về chung một nhà/ Nơi tiếng khóc, tiếng cười đồng điệu chan hòa/ Trong không cùng mênh mang thời gian, không gian…”.
Chị Vũ Thị Dung bộc bạch: “Tôi trân trọng và tri ân sự tin tưởng, yêu thương rộng lớn từ biết bao người để Khát Vọng trưởng thành. Dù có niềm tin thế nào, kiên trì ra sao, tôi cũng chỉ là một phụ nữ bé nhỏ, chẳng có tài cán, danh phận gì. Tôi chỉ đi những bước đầu tiên; rất nhiều người mến thương, thánh thiện đã âm thầm vun bồi nên Khát Vọng ngày nay”.
Quanh năm tất bật với những chuyến đi và bù đầu tìm kiếm tài chính cho Khát Vọng để tiếp sức những đứa trẻ đang chịu nhiều thiệt thòi, sức khỏe bản thân lại suy yếu nhưng chị Vũ Thị Dung vẫn hoàn tất chương trình thạc sĩ chính sách công – chuyên ngành lãnh đạo và quản lý ở tuổi 46. Tinh thần học tập suốt đời và nỗ lực hoàn thiện bản thân của “mẹ Dung” chính là tấm gương gần gũi, giàu sức thuyết phục nhất cho các bạn trẻ trong ngôi nhà Khát Vọng.
“Có điều gì đó thôi thúc tôi phải đi học. Đó là cơ hội để tôi hiểu biết, trưởng thành hơn và truyền niềm tin, cảm hứng cho các con. Tôi như một con ếch ngồi đáy giếng mà lại muốn dẫn đàn ếch con vươn ra bầu trời. Muốn thực hiện được khát vọng đưa các con vượt ra khỏi lòng giếng, tôi phải là người kết nối, chạm tới thế giới ngoài kia hay ít nhất cũng nhìn thấy bầu trời rộng lớn thế nào” – chị ví von.
Chắp cánh ước mơ
Tiếng sáo lúc trầm lúc bổng như nâng niu, chắt chiu từng giọt cảm xúc. Cả khán phòng lặng yên thưởng thức. Khi những nốt nhạc sau cùng len lỏi vào từng ngóc ngách trái tim người nghe, hàng tràng pháo tay vang lên không dứt…
Đó là hình ảnh dễ thấy trong các chương trình giao lưu hay sự kiện ngoại khóa mà Trần Việt Hoàng là khách mời. Việt Hoàng cùng mọi người không chỉ trao đổi về phương pháp học tập mà còn về tinh thần sống đẹp, về sự cởi mở, bao dung và giá trị của tình người, tình yêu thương. Đôi mắt mất đi ánh sáng từ năm 9 tuổi nhưng ánh sáng của trí tuệ, nghị lực và tâm hồn Việt Hoàng luôn lấp lánh.
Từ một cậu bé nhà nghèo không có tập vở, lấy trái bưởi làm bóng chơi, ngoại ngữ gần như là số không, Việt Hoàng đã trở thành sinh viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Năm 2020, bài phát biểu bằng tiếng Anh trong lễ khai giảng năm học mới của Việt Hoàng đã tạo sự cuốn hút đặc biệt, khiến người nghe rơi nước mắt vì cảm động trước thông điệp đầy nhân văn lẫn mỉm cười thích thú với phong thái dí dỏm, nhẹ nhàng.
Việt Hoàng là con út trong gia đình có 2 chị em ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc nhỏ, Việt Hoàng mắc bệnh về mắt. Người mẹ đơn thân ốm yếu vừa lao lực nuôi sống gia đình vừa chạy vạy lo thuốc men điều trị cho con trai nhưng đáng tiếc là các cuộc phẫu thuật thất bại. Bị mất thị lực, Việt Hoàng từng phải nghỉ học. Sau khi học chữ nổi braille ở Hội Người mù Hà Tĩnh, cậu trở lại trường học với các bạn bình thường nhưng gây bất ngờ khi luôn đứng tốp đầu.
Gia nhập mái nhà Khát Vọng, Việt Hoàng như được thổi bùng ngọn lửa khao khát học hỏi, tinh thần tiên phong, thiện tâm vì cộng đồng – như những gì mà Trường Đại học Fulbright đã đánh giá trong thư thông báo nhập học. Việt Hoàng bộc bạch: “Sự quan tâm, chăm sóc của mẹ Vũ Thị Dung cùng các tình nguyện viên và bạn bè, anh chị ở gia đình Khát Vọng khiến tôi ấm áp. Khát Vọng giúp tôi tin vào năng lực bản thân, tin rằng mình có giá trị với xã hội, giúp tôi tìm ra giá trị cốt lõi và sức mạnh tự thân để vững bước trên đường đời thăng trầm”.
Hiện nay, chàng sinh viên khiếm thị ngành khoa học dữ liệu này còn dành tâm huyết giúp các bạn đồng cảnh ngộ học lập trình. Vượt qua những nỗi sợ hãi, mặc cảm từ sự yếu thế, Việt Hoàng đang truyền cảm hứng sống tích cực cho nhiều người. Càng tiếp xúc, chúng tôi càng ấn tượng bởi sự rắn rỏi, cương nghị cùng tài thổi sáo và những chiêm nghiệm đặc sắc của chàng trai tuổi đôi mươi này.
Trong số những trường hợp tiêu biểu trưởng thành từ mái nhà Khát Vọng và xuất sắc nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, ngoài Trần Việt Hoàng không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Thường. Ít ai biết, cô gái thông minh, xinh xắn, lễ phép, dễ chiếm cảm tình người đối diện, quê ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội này suýt chút nữa đã không thể có mặt trên cõi đời.
Mẹ ruột Thường và một người dì vốn mắc chứng thần kinh, cùng với người dì cả còn tỉnh táo sống nương tựa nhau. Thường xem như có đến 3 người mẹ nhưng không biết bố là ai. Định kiến, dư luận khắt khe 20 năm trước từng đặt gia đình này vào bài toán đau đớn: Giữ hay bỏ đứa bé trong bụng mẹ Thường?
Và rồi, giữa hoàn cảnh triền miên thiếu trước hụt sau, Thường vẫn được chào đời. Thường là cái tên chuyên chở ước muốn của ông ngoại cô, mong đứa cháu có một cuộc đời bình thường, dung dị nhất. Thế nhưng, những gì mà Thường đã làm được cho đến nay xứng đáng được xem là “phi thường”.
Khác với nhiều trường hợp cùng cảnh ngộ, Thường sớm hiểu chuyện để vượt qua chứ không xem sự bất lợi của mình là rào cản. Thường từng bật khóc khi bị trêu ghẹo rồi lau nước mắt rất nhanh lúc nhìn thấy người dì cả cần mẫn làm lụng đầu tắt mặt tối đêm ngày. Ngoài giờ lên lớp, khi không phải phụ việc đồng áng và cáng đáng chuyện nhà, Thường say mê học bài và đọc sách.
Năm lớp 7, Thường được giới thiệu vào gia đình Khát Vọng và cô có thêm một người mẹ đã mang đến bước chuyển quan trọng trong đời – mẹ Vũ Thị Dung. Từ sự hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần, từ bao lời dạy ân tình, từ những cái ôm chứa chan lòng thương quý, Thường nhận thức rõ nét hơn về năng lực cá nhân, rèn luyện bản lĩnh và quyết tâm hành động để đạt ước mơ. Cô bé hiếu học gặt hái nhiều thành tích suốt thời phổ thông và nộp đơn xin học bổng thành công bằng chiếc máy tính cũ do Khát Vọng tặng.
Thường trải lòng: “Khát Vọng dạy tôi biết yêu thương cuộc sống và giúp tôi đi qua tháng ngày vất vả. Bây giờ, khi là tình nguyện viên, tôi càng nhận thấy rõ bài học về lòng biết ơn khi chăm sóc các em học sinh khó khăn. Trên tất cả, Khát Vọng giúp tôi biết rằng mình xứng đáng với những điều tốt đẹp khi không ngừng học tập và cố gắng”.
Thường đang là sinh viên năm 3 ngành tâm lý học Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Cô vừa ghi thêm một cột mốc đáng nhớ trong đời khi là người trẻ nhất tham gia chương trình Future For Women – đào tạo và huấn luyện phụ nữ khởi nghiệp, được hỗ trợ bởi Quỹ Echidna Giving thông qua Rockefeller Philanthropy Advisors (Mỹ). Thường còn đang ấp ủ một dự án giúp học sinh nhận thức các vấn đề tâm lý, triển khai trong năm 2023…
Điều đáng quý là khi vượt qua được những thử thách để hòa mình vào chân trời tri thức, nhiều bạn trẻ đã quay lại, trở thành người chăm sóc thế hệ sau, chung tay phát triển Khát Vọng đồng thời triển khai các dự án khác phục vụ xã hội. “Ở một môi trường học tập vốn rất áp lực như Fulbright, Nguyễn Thị Thường và Trần Việt Hoàng vẫn vững chãi, an nhiên, có khả năng thích ứng linh hoạt và tỏa sáng nhân cách. Chứng kiến điều đó, tôi biết rằng Khát Vọng đã đi đúng hướng” – chị Vũ Thị Dung xúc động.
Chị Vũ Thị Dung ví von 10 năm qua, Khát Vọng như một nụ hoa với sự điều hành, dẫn dắt của chị. Bây giờ, nụ đã nở hoa, Khát Vọng đã chuyển mình mạnh mẽ với sức mạnh nội lực cùng sự đồng hành nhiều hơn của những tấm lòng cao cả. Khát Vọng lại thêm tin tưởng, tràn đầy hứng khởi tiếp tục gieo những mùa xanh.
“Chúng tôi đã khởi công ngôi nhà chung Khát Vọng tại Phú Thọ – một dự án được ấp ủ mấy năm nay. Đội ngũ nhân sự của chúng tôi cũng có thêm những con người tài năng, giàu lòng nhân ái tham gia, chung tay xây dựng để Khát Vọng ngày càng chuyển đổi, bứt phá” – chị Dung tin tưởng.
Tác giả: Hồ Xuân Huy
Nguồn: Bài đăng “Phép mầu mang tên Khát Vọng” đăng trên báo Người lao động ngày 23/01/2023