Tác giả: Vũ Trường Chinh
Tôi thẫn thờ nhìn ra con đường ấy, từng phút từng phút lại thấy những anh chị, những đứa em của mình rời đi khỏi Trại hè Khát vọng 2017. Trong lòng bỗng dâng lên những nỗi niềm thật bâng khuâng khôn tả.
Tôi thẫn thờ nhìn ra con đường ấy, từng phút từng giây thấy những anh chị, những đứa em của mình rời đi khỏi Trại hè Khát Vọng 2017. Trong lòng bỗng dâng lên những nỗi niềm thật bâng khuâng khôn tả. Dù biết rằng Trại hè kết thúc là lúc các em được về lại quê hương sau 1 tuần xa nhà nhưng sao bỗng thấy thật buồn, thật sợ hãi đến thế. Tôi buồn bởi sắp phải rời xa các em – những đứa em mà tôi luôn yêu quý và trân trọng, tôi buồn về hoàn cảnh của từng đứa, từng đứa một. Khi nghĩ về điều đó, trong lòng tôi bỗng thấy thật sợ hãi. Không biết rằng liệu sau khi Trại hè kết thúc, cuộc sống của các em sẽ ra sao? Không biết ở ngoài kia người ta có đối xử với các em bằng tình yêu thương, bằng sự trân trọng hay là những sự coi thường, tệ bạc đến từ những người ngoài xã hội kia?
Hình ảnh các em ở trại hè
Tôi thậm chí bàng hoàng khi chợt nghĩ rằng sẽ ra sao khi các em sống mà chỉ có một mình, không cha, không mẹ, không người thân trong căn nhà lụp sụp, hoang tàn ấy? Không biết các em làm sao có thể có được cái ăn, cái mặc, được học hành tử tế để có một tương lai tươi sáng hơn?
Tôi không tưởng tượng nổi các em phải làm gì khi phải gánh vác những khoản nợ hàng chục triệu của gia đình, cũng không thể hiểu nổi sẽ ra sao khi có em vừa mới mất đi người cha – người mà các em yêu quý nhất? Cuộc đời của các em liệu có thể thay đổi hay không? Đó là điều mà tôi không biết trước được.
Tôi rất mau nước mắt và tôi thừa nhận điều đó. Tôi không thể kìm lòng khi thấy Hoàng với đôi mắt không được lành lặn của mình vẫn từng ngày cố gắng học tập, vẫn luôn lạc quan dù cha đã mất, mẹ bị suy thận đang phải chạy chữa. Tôi khóc khi thấy Khánh vẫn ngày ngày học tập, sinh hoạt mạnh mẽ và kiên cường như chú chim non đương đầu với bão táp khi em đang vắng cha, vắng mẹ, ở một mình trong căn nhà sơ sài, nhỏ bé, khi từng bữa cơm hằng ngày đồi với em đã là điều quá khó khăn. Tôi cũng đau xót khi thấy những em không có khả năng chi trả tiền đi học, hàng ngày vẫn vừa đi học, vừa làm thêm chỉ mong có đủ cơm ăn, áo mặc, chỉ mong được học hành để có được tương lai tươi sáng hơn.
Tôi chợt thấy ấm áp và hạnh phúc khi thấy các em mình cứ mỗi năm lại được tụ họp, được yêu thương và chia sẻ trong một đại Gia đình khát vọng, nơi các em được chăm sóc, được yêu thương và được chỉ bảo những điều hay, lẽ phải. Nhìn những cái ôm, những giọt nước mắt chia ly, tôi hiểu các em đã thật sự gắn kết, yêu thương như một gia đình thực sự. Đúng vậy, Khát vọng thật sự là một gia đình lớn.
Trại hè kết thúc đồng nghĩa với việc gia đình Khát vọng lại phải xa cách sau một tuần ngắn ngủi. Sẽ không còn nữa những giây phút cùng học, cùng chơi, cùng ăn uống, vui đùa và chia sẻ. Cũng sẽ không còn nữa những tiếng gọi thân thương Anh Chinh, chị Mai, chị Gấu. Dù xa cách nhưng anh Chinh vẫn mong mấy đứa luôn vui vẻ, hạnh phúc và bình an, luôn cố gắng nỗ lực vươn lên, chiến đấu với khó khăn vất vả. Anh tin chắc các em sẽ chiến thắng, hạnh phúc và thành công trong một tương lai vô cùng tươi sáng. Hãy luôn nhớ rằng các mẹ, các anh chị và cả đại gia đình Khát vọng luôn bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cũng như có những lời gợi ý, định hướng cho các em.
Như một dòng nước, một con sông, Khát vọng vẫn từng ngày, từng ngày chăm sóc, sẻ chia và vỗ về các con, tưới mát để tuổi thơ của các con sẽ vui vẻ, hạnh phúc, không còn là những buồn đau, bất hạnh. Bằng tất cả tình yêu thương và sự chân thành từ tận đáy lòng, tôi nguyện được làm một giọt nước nhỏ, được hòa mình vào dòng chảy, vào hành trình Khát vọng để tưới mát cho tuổi thơ, cho cuộc đời của các em, xoa dịu đi những nỗi đau, những ngày tháng bất hạnh trong cuộc đời của các em, để giúp cho những mầm non ấy mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn trước mọi sóng gió của cuộc đời, chờ đợi ngày những mầm non đó vươn lên, lớn mạnh, đơm hoa kết trái, trở thành những người có ích cho xã hội.